Bộ bàn ghế có tạo hình rùa Hồ Gươm, cùng long, lân, phụng, được làm từ những khúc gỗ nu quý - những thân gỗ lâu năm đã chết và mòn mục hết. Để có được gốc cổ thụ này, anh Thành (38 tuổi, Đông Hưng, Thái Bình), chủ một cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ, và cộng sự tên Kết đã dành gần trọn năm 2010 băng qua những cánh rừng đại ngàn, đi vào những buôn làng sâu ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk... để tìm mua.
Bộ bàn ghế 'Kỳ mộc" thu hút nhiều người đến xem . Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Những thân cây trăm năm tuổi, không thể chở được bằng xe tải thông thường. Họ phải dùng xe tải để kéo cây ra khỏi những con dốc cao, mất rất nhiều sức lực vì không thể sử dụng máy móc hiện đại. Sau đó, khi ra đường lớn mới có thể cho lên xe container để vận chuyển về.
Trong 6 khúc gỗ nu quý anh Thành tìm được, chỉ 3 gốc cây lớn nhất đạt yêu cầu để làm bộ bàn ghế. 3 gốc này trị giá khoảng 500 triệu đồng.
"Không phải cứ đem về tới nhà là có thể sử dụng được. Nhiều khúc gỗ quý nhưng không có dáng chuẩn tôi đành phải bỏ đi", anh Thành kể.
Để mang được những khúc gỗ mục khổng lồ về nhà, anh Thành và Kết phải kéo gỗ bằng xe tải từ sâu trong rừng. Ảnh: NVCC. |
Chính anh nghĩ ra ý tưởng kết hợp tứ linh vào bộ bàn ghế. Trong đó, rùa là linh vật trung tâm, trên lưng là tạo hình cây tùng ngàn năm.
Sau khi có được gỗ nu, công đoạn rửa trôi đất đá trên thân cây cũng lấy mất mấy ngày của họ. Cùng với 4 nghệ nhân ở Đông Hưng, Thái Bình, anh Thành và Kết đục đá ra khỏi thân cây, cưa cây...
"Những con vật long, lân, quy, phụng xuất hiện trên bộ bàn ghế này đều khác biệt với đại đa số những tác phẩm khác. Đó chính là sự gai góc, dữ tợn, nhưng lại rất có hồn", Lương Long Nhật (35 tuổi), một trong 4 nghệ nhân tạo nên bộ bàn ghế, chia sẻ.
Quá trình khắc hình tứ linh được các thợ mộc tập trung cao độ ngày đêm để thực hiện. "Với những chi tiết khó như ánh mắt của cụ rùa hay hàm răng của con lân, chúng tôi phải điều khiển nhịp thở thật chậm để không làm lưỡi dao khắc đi chệnh dù chỉ một mm", anh Thành nói. Điểm nhấn của chiếc bàn là hình dáng cây tùng được gọt giũa trong 2 tháng.
"Chi tiết cây tùng là giá trị nhất trong tác phẩm vì có hình dáng rất kỳ quái với nhiều lỗ nhỏ tự nhiên trên thân cây, nên được thiết kế đặc biệt, có thể tháo rời khi vận chuyển với 5 khớp nối linh hoạt. Chúng tôi tính toán rất kỹ lưỡng mọi tình huống vận chuyển có thể xảy ra", Bùi Văn Kết – người góp phần tạo nên hình dáng cây – cho biết.
4 người phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày trong 8 tháng mới xong chiếc bàn gần 5 tấn, với tạo hình cụ rùa và cây tùng cổ thụ. Riêng 2 chiếc ghế đơn, các nghệ nhân đã phải chế tác trong 3 tháng liên tục. Ảnh: NVCC. |
Sau một năm chế tác, tác phẩm Kỳ Mộc hoàn thành vào năm 2014, gồm một bàn, ba ghế, chiếm diện tích tổng cộng 50m2, nặng 8 tấn. Vì được làm từ thân gỗ đã chịu nhiều tác động của thiên nhiên và côn trùng, chỉ còn phần cốt lõi cứng như đá, nên bộ bàn ghế hoàn toàn không phải dùng thêm bất kỳ phụ phẩm nào để chống lại mối mọt và thời tiết ẩm mốc.
Quá trình vận chuyển bộ bàn ghế từ Thái Bình đến Hà Nội tham gia triển lãm khoảng 100km cũng đòi hỏi sự cẩn thận tuyệt đối. Tác phẩm được quấn kĩ bằng 5 lớp nilon để đảm bảo không bị trầy xước, ngoài cùng là 2 lớp chăn bông hạn chế tối đa sự va đập.
Bài viết khác